Từng miếng mứt vỏ cam (mut vo cam) dẻo, mềm, thơm với màu sắc hấp dẫn. Khi ăn bạn sẽ tận hưởng vị ngọt, hơi the the nơi đầu lưỡi. Mứt vỏ cam cực ngon mà lại còn giúp bạn phòng chống bệnh viêm họng trong mùa lạnh đấy nhé.
Nguyên liệu:
- Vỏ cam - 200gr (chọn cam vàng để lấy vỏ cho mứt có màu đẹp mắt nhé, 200gr vỏ thì sẽ cần khoảng 4 - 5 quả cam)
- Đường - 250gr
- Mật ong - 100gr
- Đường bột - 50gr (để áo ngoài vỏ cam, nếu không có, các bạn xay đường cát trắng ra cũng OK nhé,nếu không thích có thể bỏ qua nguyên liệu này)
Hướng dẫn:
Bước 1: Chuẩn bị vỏ cam
Cam rửa sạch, để ra rổ cho ráo nước hoặc dùng khăn sạch lau khô. Cắt bỏ phần đầu cuống cam rồi bổ múi cau. Tách vỏ cam ra rồi thái thành các miếng dài, dày khoảng 0,5 cm. Mình dùng đầu lượn tròn của dụng cụ cắt tỉa hoa quả, hoặc dao lượn sóng để cắt vỏ cam cho đẹp nhé.
Bước 2: Sơ chế nguyên liệu
Cho vỏ cam vào nồi, đổ nước lạnh ngập vỏ cam, cho lên bếp đun với lửa to cho sôi rồi hạ lửa nhỏ xuống, đun khoảng 5 phút rồi đổ vỏ cam ra rổ, xả sạch với nước lạnh. Lặp lại quá trình này một vài lần cho đến khi vỏ cam hết đắng hoặc đạt độ đắng vừa ý, nhà mình thích ăn mứt còn vị the the của vỏ cam nên thường làm khoảng 2-3 lần thôi nhé.
Pha nước lạnh với một chút muối (căn cho vừa vừa như như khi nấu canh ấy nhé cả nhà), vớt ra ngâm qua đêm. Sau đó vớt ra, rửa sạch với nước lạnh cho hết vị mặn rồi cho ra rổ xóc cho ráo nước.
Bước 3: Ướp vỏ cam
Cho vỏ cam, đường, mật ong cùng với nước cam vào nồi, đảo đều, ngâm khoảng 8 tiếng. Trong quá trình ngâm, thỉnh thoảng đảo đều cho vỏ cam ngấm gia vị.
Sau 8 tiếng, đường sẽ tan chay hết và ra nước như hình dưới nhé.
Các bạn có thể điều chỉnh lường đường tùy theo khẩu vị nhé. Như mình thấy tỉ lệ vỏ cam và đường như thế này là phù hợp vì sau đấy nhà mình còn làm một lớp đường áo ngoài mứt nữa.
Bước 4: Sên mứt
Sau 8 tiếng, cho nồi lên để sên mứt. Bật bếp đun sôi vỏ cam và dung dịch nước đường, mật ong, khi nước sôi, hạ lửa xuống mức thấp nhất đun liu riu cho đến khi vỏ cam chuyển sang màu trong, dung dịch nước đường sền sệt và keo lại thì tắt bếp. Trong quá trình đun, các bạn nhớ đảo đều và nhẹ tay để mứt ngấm đều nước đường nhé.
Thời gian sên mứt còn tùy thuộc độ dày của vỏ cam. Nếu trong quá trình sên, nước cạn mà vỏ cam chưa trong, các bạn có thể thêm một chút nước vào đun tiếp cho tới khi được nhé.
Bước 5: Hong khô mứt
Nếu các bạn không thích ăn mứt có lớp vỏ áo ở bên ngoài, các bạn chỉ việc xếp vỏ cam lên khay rộng có lót giấy hoặc một khay khác ở dưới để hứng phần nước syrup chảy ra, để cho đến khi vỏ cam khô hẳn là được.
Nhà mình thích ăn vỏ cam có một lớp đường áo ở bên ngoài nên ngay khi hoàn tất bước 4, nhanh tay cho vỏ cam ra đĩa có đường bột để sẵn, lăn đều để đường áo một lớp ngoài vỏ cam rồi hong cho đến khi mứt khô là được.
Thời gian hong mứt tùy thuộc vào nhiều yếu tố như độ mềm của mứt, độ ẩm không khí, v.v, nếu không khí quá ẩm, mứt sẽ không khô được, các bạn có thể cho khay mứt vào tủ lạnh hoặc cho vào lò sấy ở nhiệt độ 100-110 độ C trong khoảng 10-20 phút. Trong quá trình sấy, các bạn nhớ canh chừng và kiểm tra thường xuyên tránh trường hợp mứt bị khô quá, sẽ bị cứng và mất độ dẻo nhé.
Bài viết có sử dụng công thức và hình ảnh học theo blog Savourydays và Afamily.
Thật đơn giản phải không nào, mứt vỏ cam là món ăn vặt dễ làm, giúp bạn tận dụng được các nguyên liệu sẵn có, ngoài ra còn giúp phòng và chống các bệnh về hô hấp hay gặp phải trong ngày lạnh nữa đấy.
Nấu ăn ngon – Món ăn ngon tại Sotaynauan.com
Pingback: Các món mứt thơm ngon đón Tết (phần 2) | Nấu ăn ngon | nau an ngon | món ngon | mon ngon | hướng dẫn nấu ăn | huong dan nau an