Cơm rượu nếp là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Đoan Ngọ ở nhiều vùng trong nước ta. Cùng Sổ tay nấu ăn tìm hiểu và thực hiện làm món ăn cổ truyền này nhé! Đây là món ăn để thưởng thức không nên dùng thay bữa ăn sáng, không nên ăn khi đói và đừng ăn quá nhiều vì bản chất cơm rượu đã lên men là có một lượng cồn nhất định, tuy không nặng như rượu uống bình thường nhưng nếu ăn nhiều sẽ bị say, ăn khi đói sẽ cảm thấy bụng cồn cào khó chịu.
Nguyên liệu:
- Gạo nếp ngon - 1kg
- Men rượu - 3 quả
- Nồi gốm -
- Túi khóa zip loại to -
Hướng dẫn:
Bước 1: Gạo nếp vo sạch để ráo.
Bước 2: Cho gạo nếp lên đồ xôi hoặc nấu như cơm tẻ.
Bước 3: Xới cơm ra mâm rông, san mỏng cho nhanh nguội.
Bước 4: Gạt bỏ hết vỏ trấu ở bánh men bằng cách cọ xát chúng với nhau, sau đó giã nhỏ men.
Bước 5: Rây mem vào cơm còn ấm: Rây một nửa lên mặt trên của mâm cơm, sau đó lật mặt còn lại, rây tiếp sau đó mới trộn. (Làm như vậy vì cơm nếp rất dính, khó trộn đều được men)
Bước 6: Viên cơm lại thành các viên nhỏ.
Bước 7: Túi zip cắt thủng vài mắt ở đáy, cho cơm đã viên vào.
Bước 8: Cho túi cơm vào nồi gốm, trong nồi có đặt phên tre để khi ủ chín, nước từ đáy túi cơm sẽ nhỏ xuống, không làm cơm bị cay.
Bước 9: Khoảng 3-5 ngày sẽ cho ra thành phẩm.
Yêu cầu thành phẩm: Cơm thơm nồng mùi hương nếp, sờ cơm thấy mềm, ngấu, trong hũ có một chút nước từ cơm.
Lưu ý:
- Loại gạo thường dùng để làm cơm là gạo nếp thơm, dẻo hay ngon nhất là gạo nếp nương, nếp cái hoa vàng.
- Khi cơm xới ra mâm phải dàn đều, giúp việc trộn men được đều hơn.
- Khi chọn men làm cơm hay làm rượu các bạn tuyệt đối không sử dụng men tàu vì khi ăn (uống) sẽ dẫn đến tình trạng nhức đầu, ngộ độc...