Năm nào mẹ cũng chuẩn bị hàng cơ số thực phẩm và món ăn để đón Tết, mọi năm mình vẫn góp một tay chuẩn bị nguyên liệu cho các món Tết cổ truyền của mẹ bắt đấu bằng đu đủ, su hào, cà rốt cho món dưa món, hành củ cho món dưa hành, sau đó là sơ chế măng để làm món canh măng móng giò (canh mang mong gio) hoặc canh măng sườn cho dịp Tết.
Nấu canh măng khô móng giò hay canh măng sườn mất thời gian một chút vì bạn phải dành tương đối thời gian để sơ chế măng khô, tuy nhiên, khi nghĩ đến sản phẩm cuối cùng là bát canh măng vàng ươm, thơm phức, ngậy mà không ngán thì đúng là rất đáng thời gian và công sức mình bỏ ra. Tùy loại măng, thời gian sơ chế có thể mất từ 2-3 ngày đến 1 tuần, vì thế, nhà mình khi sơ chế măng thường làm nhiều rồi cất vào tủ lạnh để dùng dần. Các bạn hãy cùng mình chuẩn bị nguyên liệu và thực hiện món canh măng móng giò nhé.
Nguyên liệu:
- Măng khô - 200gr (Có thể chọn loại măng bất kỳ nhưng ngon nhất vẫn là dùng măng lưỡi lợn, vàng và dày dặn nhé)
- Móng giò - 1 chiếc (lấy cả phần móng và phần thịt đùi nhé, có thể thay bằng suờn ăn cũng rất ngon đấy nhé)
- Mộc nhĩ - 50gr
- Nấm hương - 30gr
- Hành lá - Vừa đủ
- Mùi tàu - Vừa đủ
- Gia vị - Vừa đủ
- Hành khô - 2 củ
Hướng dẫn:
Bước 1: Sơ chế măng
Măng khô đem ngâm nước cho mềm, nhà mình thường dùng nước vo gạo mỗi lần nấu cơm để ngâm măng và thay nước vào mỗi lần nấu cơm trưa và tối. Rửa sạch măng, cho vào nồi luộc rồi đổ ra rửa sạch. Lặp lại quá trình trên vài lần cho đến khi nước luộc măng không còn màu vàng đậm và mùi măng cũng hết. Khi đó, măng đã chuyển màu vàng rơm ngon mắt chứ không còn màu nâu như trước nữa. Thời gian sơ chế măng có thể mất từ 2 ngày đến 1 tuần tùy thuộc vào loại măng và điều kiện thời tiết nhé.
Sau khi luộc măng xong, đổ ra rổ, rửa sạch với nước lạnh, cắt miếng vừa ăn hoặc tước măng thành sợi.
Bước 2:
Móng giò làm sạch, ướp với gia vị cho vừa ăn. Bắc nồi lên bếp, phi thơm hành khô rồi cho móng giò và xào sơ cho ngấm gia vị, sau đó cho nước vừa đủ vào đun sôi rồi hạ lửa, hầm cho móng giò mềm.
Bước 3:
Trong khi chờ móng giò mềm, các bạn ngâm mộc nhĩ, nấm hương cho nở rồi đem rửa sạch, cắt bỏ chân (nếu có). Nấm hương để nguyên cái, mộc nhĩ có thể cắt thành các miếng nhỏ vừa ăn.
Hành cắt riêng phần đầu trắng, tước sợi. Phần hành xanh và mùi tàu rửa sạch, cắt khúc vừa ăn.
Bước 4:
Cho chảo lên bếp, phi thơm hành khô rồi cho măng vào xào, với gia vị vừa ăn, có thể thêm một chút nước hầm chân giò vào để xào cho măng ngấm đều (trong trường hợp măng bị khô), sau đó đổ mộc nhĩ, nấm hương vào xào chung.
Bước 5:
Cho măng xào ở Bước 4 vào nồi chân giò hầm, nấu tiếp cho tới khi măng và móng giò mềm, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn rồi thả hành trắng cắt sợi, hành xanh và mùi tầu cắt khúc vào rồi tắt bếp.
Múc canh ra bát, dùng nóng.
Canh măng móng giò thơm ngon, béo ngậy, giàu chất dinh dưỡng mà không hề ngán là món ăn yêu thích của nhiều người con xứ Bắc. Món canh vàng ươm, thớm phức đã trở thành món ăn không thể thiếu trong thực đơn Tết của người xứ Bắc. Các bạn có thể dùng canh nóng với bún hoặc với cơm, ăn kèm với dưa món hoặc dưa hành đều rất ngon nhé.
Nếu không thích móng giò, các bạn có thể nấu bằng sườn lợn ăn cũng rất ngon. Các bạn chú ý chọn sườn thăn sẽ thơm ngon, nhiều thịt hơn nhé. Mọi người thường không thích ăn sườn sụn, nhưng nhà Sổ tay nấu ăn lại cực mê món đấy, đi chợ mua sươn thăn, nhiều sụn về nấu canh măng thì hết sẩy, cực kỳ đưa cơm cả nhà nhé.
Pingback: Cách nấu các món canh ngon cho Tết cổ truyền | Nấu ăn ngon | nau an ngon | món ngon | mon ngon | hướng dẫn nấu ăn | huong dan nau an