Tiếp tục chủ để thực đơn Tết, hôm nay tiếp tục sẽ là món mứt dừa (mut dua) đón tết.
Nhớ ngày xưa, hồi bé tí teo, tết nhà nào cũng có mấy hộp mứt tết hình hộp chữ nhật hoặc vuông vuông, nhà nào sang hơn thì mua loại mứt têt to hơn, để trong hộp có hình hoa, mặt trên là nắp đậy trong, có thể nhìn thấy hết các loại mứt bên trong. Mình với em mình khi ấy nhìn thấy mứt Tết cứ gọi là mê tít, nhất là mấy miêng mứt dừa đủ màu được cuộn tròn khéo léo thành những bông hoa hồng đẹp ơi là đẹp (ngày xưa chưa biết, giờ mới biết các loại mứt màu mè sặc sỡ ngày xưa toàn làm bằng phẩm màu thôi, không đảm bảo vệ sinh đâu nhé).
Giờ do nhiều nguyên nhân nhưng một phần là do chất lượng vệ sinh thực phẩm nên mứt Tết ít phổ biến hơn ngày xưa, thay vào đó, các bà các mẹ hay truyền tai nhau các công thức làm mứt Tết vừa thơm ngon lại sạch sẽ đảm bảo vệ sinh cho cả gia đình. Hôm này mời cả nhà cùng vào bếp với Sổ tay nấu ăn học cách làm mứt dừa (mut dua) thơm ngon đón tết nhé!!!
Nguyên liệu:
Hướng dẫn:
Dừa chọn quả bánh tẻ, không quá non, không quá già. Khi mua, các bạn có thể nhờ người bán hàng tư vấn để chọn được quả dừa vừa ý nhé. Nếu mua dừa tươi về làm, các bạn chú ý lắc dừa, nếu thấy có tiếng nước kêu bên trong là dừa đã già rồi, làm mứt ăn không ngon nữa nhé. Các bạn tách bỏ xơ, đục lấy nước để riêng, đập vỡ gáo dừa (phần vỏ cứng ấy ạ) để lấy phần cùi dừa. Cách dễ nhất để lấy cùi dừa là hơ dừa trên lửa, cùi dừa sẽ tróc ra khỏi vỏ. Nếu các bạn mua cùi dừa làm sẵn ở ngoài chợ thì bỏ qua bước này nhé.
Cùi dừa mua về gọt sạch lớp vỏ lụa màu nâu ở ngoài, rửa qua với nước cho sạch, sau đó dùng nạo, nạo theo vòng trong của cơm dừa để được những sợi dừa dài nhé.
Cùi dừa nạo xong, các bạn cho vào chậu, rửa thật sạch cho hết dầu dừa. Các bạn có thể đem trụng sơ cũng được nhé. Nhà mình thường rửa dừa nhiều lần (đỡ phải kích rích nồi niêu đun nước, lười mà:">), lúc đầu, do dầu dừa tiết ra nhiều, nước rửa sẽ có màu đục như thế này.
Các bạn rửa cho đến khi nước rửa dừa thật trong là được.
Sau đó vớt ra rổ, để thật ráo nước.
Đến bước này, các ban cân lại cùi dừa, rồi cho đường vào ướp. Tỷ lệ ướp là cứ 1kg cùi dừa, các bạn cho khoảng 600gr đường cát trắng.
Các bạn ướp cho đến khi đường tan hết (thường là hết khoảng 12-14 tiếng). Trong quá trình ướp, đường sẽ tan dần ra, các bạn chú ý thỉnh thoảng dùng đũa đảo cho dừa ngấm đều đường. Sau khoảng 12-14 tiếng, đường tan hết, cùi dừa ngót bớt và chuyển sang màu trong trong như hình dưới đây là được.
Sau khi ướp đương xong, các bạn bắc chảo lên bếp để sên dừa. Các bạn nên dùng chảo có đáy rộng, đế dày để sên mứt. Cho dừa và nước đường vào chảo, các bạn chú ý, nên căn kích thước chảo và khối lượng dừa để chia thành nhiều mẻ nhỏ nhé, tuyệt đối không được cho nhiều dừa vào chảo quá, khi sên sẽ rất khó đảo mà mứt dễ bị cháy. Với 1kg cùi dừa, mình thường sên mứt thành 2 lần.
Lúc đầu khi mới bỏ dừa vào, các bạn sên với lửa to, dùng đũa đảo đều, khi nước đường sôi, các bạn hạ lửa xuống mức thấp nhất, tiếp tục đảo đều.
Cho tới khi nước đường gần cạn thì các bạn cho vani vào, đảo đều.
Sau đó dùng 2 đôi đũa, đảo và xóc dừa liên tục.
Xóc cho đến khi đường kết tinh lại thành hạt li ti thì tắt bếp.
Đổ dừa ra mâm rộng, xóc đều và để nguội rồi cất vào hộp kín bảo quản để dùng dần.
Thật đơn giản, thế là bạn đã có mứt dừa thơm, bùi, béo ngậy trong khay mứt Tết của cả gia đình rồi đấy.
Pingback: Các món mứt thơm ngon đón Tết | Nấu ăn ngon | nau an ngon | món ngon | mon ngon | hướng dẫn nấu ăn | huong dan nau an
Pingback: Cách làm mứt dừa của bạn Hằng Moon - Sổ tay nấu ăn