Các loại hải sản nói chung luôn được coi là nguồn thực phẩm quý, cung cấp nguồn đạm và canxi tự nhiên, giúp cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai. Hải sản thường rất giàu dưỡng chất có lợi như magie, kẽm…Tuy nhiên, những quan niệm sai lầm còn tồn tại trong quá trình chế biến, bảo quản và ăn uống lại làm những thực phẩm bổ dưỡng này trở nên độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe và có khả năng gây ngộ độc cho người sử dụng. Những năm gần đây, các trường hợp ngộ độc do ăn hải sản sống, tái đang có xu hướng tăng lên. Đây là kết quả của những quan niệm sai lầm trong ăn uống của người tiêu dùng. Hãy cùng sổ tay nấu ăn tìm hiểu về những sai lầm khi chế biến hải sản nhé!
Hướng dẫn:
Điều cần biết
Trong các loại hải sản đều tồn tại một vi khuẩn có khả năng gây bệnh tiêu chảy , vi khuẩn này sinh sôi nhanh chóng khi hải sản vừa bắt lên và càng tăng cao nếu hải sản để lâu không chế biến. Khi vi khuẩn hoạt động sinh ra chất độc tích lũy trong thịt hải sản. Chất này không được phân hủy bằng mọi cách chế biến.
Nhiều người quan niệm ăn hải sản phải ăn sống mới bổ như hàu tái, gỏi tôm, gỏi mực mới đảm bảo dinh dưỡng. Thực tế, chưa có một chứng cứ khoa học nào chứng minh các loại hải sản này ăn sống bổ hơn ăn chín.
Việc ăn các loại thủy hải sản sống còn dễ khiến đường ruột nhiễm kí sinh trùng, giun sán. Theo nghiên cứu của viện dinh dưỡng, trong gỏi hải sản đã chế biến, gồm đủ các gia vị thì ấu trùng lá gan vẫn còn sống chiếm tới 85%.
Cua nướng tới vàng vỏ, ấu trùng sán lá phổi vẫn còn 65%, cua nướng cháy vỏ ấu trùng vẫn còn sống 23,3 %.
Biện pháp phòng ngừa
Nguyên tắc đầu tiên khi ăn hải sản là chọn đồ tươi sống, hải sản ươn chết, có mùi khác lạ đều hoàn toàn phải bỏ qua.
Hãy từ bỏ thói quen ăn thịt cá, hải sản sống, tái, chỉ sơ chế bằng việc vắt chanh để làm chín thực phẩm mà không qua nhiệt. Việc tái chanh, tái giấm hoặc trần qua nước đang sôi chỉ làm se bề mặt thực phẩm mà không làm chín toàn bộ miếng thịt. Tuy cách làm này đảm bảo nguồn dinh dưỡng ít hao hụt nhất nhưng ngược lại, người dùng có khả năng bị nhiễm kí sinh trùng hoặc ngộ độc thực phẩm.
Trước kia, môi trường còn sạch, hải sản ở cửa sông, cửa biển còn chưa nhiễm quá nhiều chất độc. Ngày nay, độ an toàn của nước cũng như nguồn thủy hải sản đều ở mức đáng báo động. Vì vậy, khi chế biến hải sản cần lọc bỏ kĩ những phần không ăn được, rửa sạch, chế biến chín.
Hải sản chưa chế biến ngay, nên bảo quản trong tủ lạnh. Không để hải sản sống lẫn hải sản chín. Khi rã đông, nên để hải sản trong ngăn mát qua đêm. Nếu cần dùng ngay có thể rửa dưới vòi nước lạnh hoặc cho vào lò vi sóng. Không nên rã đông bằng cách ngâm nước ấm hoặc để dưới nhiệt độ thường.
Hãy cùng sổ tay nấu ăn bảo vệ gia đình và chính bản thân bạn trước những nguy cơ ngộ độc hải sản do thói quen ăn uống thường ngày nhé!