Bụp giấm có tên khoa học là Hibiscus sabdariffa L., họ Bông (Malvaceae). Bụp giấm có nguồn gốc ở Tây Phi, được trồng để lấy ngọn và đài hoa làm rau chua và làm thuốc, đã nhập vào nước ta từ những năm 70 của thế kỷ trước. Đây là loại cây bụi nhỏ, cao 1 – 1,5m, thân cứng, có nhiều cành, hoa mọc đơn độc ở kẽ lá, có cuống ngắn. Tràng hoa màu vàng hồng hay tía, có khi trắng. Quả nang hình trứng, có lông thô, mang đài mầu đỏ sáng tồn tại bao quanh quả. Đài hoa mọng nước, màu đỏ đậm, phiến nhọn dần từ dưới lên, nửa dưới màu tím, vị rất chua (như giấm).
Hoa bụp giấm có thể chế biến thành siro, mứt hoặc làm gia vị cho các món kem, bánh ngọt. Loại hoa này có tác dụng như mát gan, lợi tiểu, tăng sức đề kháng, trị ho, viêm họng nên được nhiều người tin dùng. Tuy nhiên, không phải nó không có hạn chế. Cùng tham khảo bài viết của Sổ tay nấu ăn để biết cách dùng hoa bụp giấm đúng cách, không làm ảnh hưởng tới sức khỏe gia đình bạn nhé!
Hướng dẫn:
Công dụng của bụp giấm:
Chứa nhiều vitamin và khoáng chất: Cả lá, đài hoa bụp giấm đỏ giàu về Acid và Protein. Quả khô chứa Canxi Oxalat, Gossypetin, Anthocyanin (có tác dụng kháng sinh) và Vitamin C. Hột của cây bụp giấm chứa 7,6% nước, 22,3% dầu, 24% protein, 13,5% chất xơ, 7% chất khoáng. Dầu hột Atiso đỏ tương tự như dầu hột bông vải có tác dụng chống nấm và bệnh ngoài da. Dầu chứa Vitamin và các chất béo không no, có tác dụng tốt đối với người cao tuổi và người kiêng ăn.
Tốt cho người cao huyết áp: Các nhà khoa học đã chứng minh uống hoa bụp giấm theo tỷ lệ 100 - 200mg/kg/ngày đều đặn, nồng độ glucose máu sẽ giảm 60 – 65%.
Giúp giảm men gan: Nếu bạn uống trà hoặc nước siro ngâm từ hoa bụp giấm đều đặn hằng ngày nó sẽ giúp khắc phục các vấn đề về rối loạn chuyển hóa và các bệnh liên quan về gan khác. Ngoài ra, nếu bạn không mắc bệnh về gan, bụp giấm cũng có thể giúp bạn bảo vệ lá gan của mình.
Tăng hệ miễn dịch cho cơ thể: Chính nhờ hàm lượng vitamin C rất cao và sự hiệp đồng của các acid hữu cơ nên bụp giấm có tác dụng kháng khuẩn và giúp cơ thể tăng sức đề kháng cũng như việc tăng hoạt động hệ miễn dịch. Nếu bạn chăm chỉ ăn hoặc uống chúng hằng ngày bạn sẽ ít bị nhiễm các bệnh cảm cúm và các bệnh thông thường khác do vi rút hoặc vi khuẩn tấn công.
Chống béo phì: uống một chén trà bụp giấm sau bữa ăn sẽ làm giảm sự hấp thu đường và tinh bột nhờ đó góp phần giúp bạn giảm cân và chống lại chứng béo phì nguy hiểm. Đồng thời, trong bụp giấm cũng chứa hàm lượng chất xơ cao nên rất hữu ích trong việc điều trị táo bón, giúp cơ thể đào thải các chất độc trong cơ thể qua hệ tiêu hóa một cách dễ dàng. Điều này cũng hữu ích trong việc giảm cân của bạn.
Một số lưu ý khi sử dụng bụp giấm:
- Liều dùng tối đa không quá 2g đài hoa khô/người 60kg vì nó có thể gây độc cho cơ thể nếu dùng quá nhiều.
- Không chế biến ở nhiệt độ quá cao, trong thời gian dài vì hoạt chất chính giúp chữa bệnh của bụp giấm là anthocyanin dễ bị phân huỷ ở nhiệt độ cao.
- Bạn nên chia lượng trà để uống thành nhiều lần trong ngày hơn là dùng một lần số lượng lớn.
- Phụ nữ mang thai và cho con bú không nên dùng: chưa có bằng chứng về tác dụng bất lợi của bụp giấm đối với thai kỳ, nhưng thực nghiệm trên chuột mang thai và 21 ngày sau sinh nở cho thấy, bụp giấm gây suy dinh dưỡng thai kỳ, dẫn đến tăng thể trọng và chậm dậy thì ở chuột con (theo nghiên cứu của nhà khoa học Lyare và cộng sự, năm 2008).
- Thận trọng khi dùng chung với các loại thuốc khác: trà bụp giấm có thể làm giảm 62% nồng độ diclofenac huyết thanh, giảm tốc độ thải trừ diclofenac qua nước tiểu. Với thuốc giảm đau hạ sốt có acetminophen (paracetamol) cũng cho kết quả tương tự.
- Mặc dù bụp giấm có nhiều tác dụng hữu ích, nhưng hiệu quả sử dụng còn tuỳ thuộc tuổi tác, tình trạng sức khoẻ, loại bệnh mạn tính… của người sử dụng.
- Nên chọn mua những chế phẩm có xuất xứ rõ ràng, đọc kỹ chỉ dẫn trên bao bì và tham khảo thầy thuốc, đặc biệt khi bạn đang trong giai đoạn sử dụng thuốc để điều trị các bệnh lý cấp tính và mạn tính.